Đầu tư mô hình co-working đặc biệt cần lưu ý những điểm nào

mô hình co-working

Khoảng 2 năm gần đây, Việt Nam nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung đã chứng kiến sự bùng nổ của không gian làm việc linh hoạt (co-working). Mô hình này đang trở thành một loại hình đầu tư dài hạn được ưa chuộng. Vậy nhà đầu tư cần lưu ý những gì khi đầu tư co-working?

Theo số liệu của CBRE, quy mô thị trường không gian làm việc chung tại Châu Á – Thái Bình Dương đang đạt hơn 3,7 triệu m2 tại 14 thành phố lớn trong khu vực. Tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2013 – 2017 ở mức trên 50%/năm. Riêng tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của co-working hiện đạt khoảng 58%/năm. Nếu giữa năm 2017, Việt Nam mới có khoảng 17 đơn vị kinh doanh co-working với 22 điểm, tổng diện tích đạt 14.500m2 thì tới quý I/2018, số đơn vị kinh doanh đã lên tới 40 với 50 điểm, tổng diện tích đạt 30.000m2.

Theo dự đoán, sự thay đổi cơ bản ở 5 xu hướng vĩ mô là công nghệ ứng dụng nơi công sở; nguồn nhân sự linh hoạt; sự thay đổi của không gian làm việc; xu hướng giảm thiểu chi phí và quy tắc kế toán mới sẽ tiếp tục củng cố sự tăng trưởng vững chắc của loại hình này trong tương lai. Những xu hướng này sẽ buộc nhà đầu tư và khách thuê cân nhắc lại chiến lược bất động sản của công ty trong tương lai gần. Khảo sát gần đây của CBRE cho thấy khoảng 50% khách thuê dự tính cần ít hơn diện tích không gian văn phòng truyền thống trong 5 năm tới. Khách thuê cũng muốn tìm kiếm những không gian chất lượng cao hơn nhằm khích lệ sự cộng tác, đổi mới và tăng phúc lợi cho nhân viên.

mô hình co-working
Mô hình co-working đang trở thành một loại hình đầu tư dài hạn
được ưa chuộng. Ảnh minh họa: internet

Theo CBRE, các nhà đầu tư khi đổ tiền vào co-working cần lưu ý 3 điều đặc biệt sau đây:

Thứ nhất, nhà đầu tư cần triết lý đầu tư rõ ràng. Việc đầu tư vào không gian làm việc linh hoạt có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc thu hút cơ cấu khách thuê đa dạng, cung cấp các điều khoản cho thuê linh hoạt và chú trọng vào các dịch vụ, tiện ích cộng thêm, đặc biệt là các tiện ích hướng đến sức khoẻ.

Thứ hai, nhà đầu tư cần phân bố không gian linh hoạt tối đa. Phần lớn các nhà đầu tư tin rằng không gian làm việc chung có thể tăng giá trị của toà nhà nếu diện tích cho loại hình này chiếm ít hơn 40% tổng diện tích của toà nhà. Tuy nhiên, chủ dự án/nhà đầu tư nên giữ một tỷ lệ cân bằng tối ưu giữa môi trường làm việc linh hoạt và môi trường làm việc truyền thống tại một tòa nhà. Trạng thái cân bằng này làm giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào khách thuê đơn lẻ, đồng thời tăng tính hợp tác giữa đơn vị quản lý không gian làm việc chung và các khách thuê khác.

Thứ ba, khả năng mở rộng và tính hiệu quả là chìa khóa quan trọng của đầu tư không gian làm việc chung. Khả năng sinh lời của co-working phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm: định vị khách thuê là doanh nghiệp để nâng giá trị của toà nhà; phân bố tối đa 30% hoặc ít hơn không gian cho chỗ ngồi linh hoạt và tăng tỷ lệ văn phòng riêng; tìm kiếm các địa điểm phù hợp tại các vị trí tốt, đồng thời kiểm soát chi phí.

Ngoài ra, CBRE cũng lưu ý các nhà đầu tư về đặc điểm của khách thuê. Với co-working, khách thuê quan tâm đến việc mô hình này có thể làm suy giảm văn hóa công ty và an toàn dữ liệu. Mối quan tâm thứ hai là về môi trường, sức khỏe, sự an toàn và chất lượng cơ sở hạ tầng. Do đó, các không gian làm việc linh hoạt cần nâng cao chất lượng nhằm giải quyết được các mối quan tâm trên của khách hàng.

Ông Henry Chin, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Châu Á Thái Bình Dương của CBRE cho biết: “Sự tăng trưởng của không gian làm việc chung sẽ định hướng lại nhu cầu về văn phòng. Các nhà đầu tư không được bị động trước khách thuê – những người đòi hỏi sự linh hoạt ngày càng cao. Dù các nhà đầu tư lựa chọn phương thức nào để đối mặt với cuộc cách mạng về không gian này thì cuối cùng nhu cầu về tài sản mang tính chất tổng hòa giữa không gian truyền thống và không gian linh hoạt sẽ đánh dấu bước chuyển mình của thị trường”.

 

(Theo Thúy An / Tuổi trẻ online)