Thời gian cấp phép xây dựng được rút ngắn chỉ còn 15 ngày?

Thủ tục cấp phép xây dựng

Theo dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung), thời gian cấp phép xây dựng đã được đề xuất giảm xuống đáng kể, một khu phức hợp có phức tạp đến đâu cũng chỉ mất tối đa 20 ngày.

Giấy phép xây dựng là một loại giấy tờ của cơ quan nhà nước (theo mẫu mã nhất định) xác nhận việc cho phép cá nhân, tổ chức được phép thực hiện việc xây dựng, sửa chữa, di dời nhà cửa, công trình…. theo nguyện vọng trong phạm vi nội dung được cấp phép.

Luật Xây dựng hiện hành quy định đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét hồ sơ trong 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, nếu luật mới được áp dụng, thì thời gian này được rút xuống chỉ còn 20 ngày, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh và giấy phép di dời. Đặc biệt, đối với nhà ở riêng lẻ, thời hạn này chỉ là 15 ngày.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, giám đốc một công ty xây dựng ở TP.HCM, cho rằng việc giảm đi 10 ngày xin giấy cấp phép xây dựng hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi thực tế và rất khả thi.

Doanh nghiệp và người dân sẽ rất vui mừng. Đặc biệt là chủ đầu tư những dự án bất động sản, bởi một khu phức hợp có phức tạp đến đâu cũng chỉ 20 ngày là nhận được giấy phép xây dựng, còn những trường hợp bản vẽ chi tiết đã rất cụ thể thì không cần phải cấp phép xây dựng nữa.

Thủ tục cấp phép xây dựng
Thời gian cấp phép xây dựng có thể được rút ngắn chỉ còn 15 ngày. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng, thời gian cấp giấy phép xây dựng dù được rút ngắn, nhưng quá trình bổ sung và sửa chữa nhiều lần để hồ sơ đủ điều kiện được cấp giấy phép vẫn sẽ mất khá nhiều thời gian.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng cần tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng với quy trình thẩm định thiết kế xây dựng để rút ngắn thời gian; bổ sung các trường hợp được miễn cấp GPXD. Đồng thời, đề nghị Luật Xây dựng quy định chặt chẽ quy trình thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, kể cả quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng cấp tỉnh, quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, thiết kế đô thị. Trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đề nghị không lệ thuộc vào ranh giới hành chính của các địa phương.

 

( Theo Ngọc Anh – batdongsan)