Đầu tư vào đâu khi bất động sản, chứng khoán đều khó?

Bất động sản Việt Nam thu hút khách đầu tư ngoại

Cuối năm thường là thời điểm các nhà đầu tư nắm giữ lượng tiền mặt lớn trong tay và có nhiều cơ hội nhưng cũng đau đầu khi không biết rót tiền vào đâu để sinh lợi, nhất là khi cả chứng khoán và bất động sản không còn “ngon ăn” như trước.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, kênh đầu tư nào cũng có mức độ rủi ro và cơ hội riêng, nhưng mỗi người nên quyết định kênh đầu tư phù hợp với thói quen và chuyên môn của mình. Bởi lĩnh vực nào cũng cần sự am hiểu, kinh nghiệm cơ bản.

Cả chứng khoán và bất động sản đều khó

Tuần qua, giao dịch ảm đạm vẫn là tình trạng chung của thị trường chứng khoán, VN-Index đã không còn giữ được ngưỡng 900 điểm mà tiếp tục trượt xuống. Giao dịch bình quân chưa tới 4.000 tỉ đồng/phiên, khối ngoại liên tục bán ròng. Tình trạng này gây chán nản cho không ít nhà đầu tư.

Ông Hoàng Phú, ngụ quận Bình Thạnh, Tp.HCM kể, số cổ phiếu HBC, SCR ông đang nắm giữ nếu bán ra phải chịu lỗ 30-35%. Như vậy, suất đầu tư 2 mã cổ phiếu có giá 1 tỉ đồng này của ông Phú sẽ mất trên 300 triệu đồng. “Ôm và đợi hoài thì tôi cũng sốt ruột nhưng nếu bán xong tôi không biết đầu tư vào đâu trong giai đoạn này”, nhà đầu tư này chia sẻ.

chứng khoán sụt giảm
Nhiều nhà đầu tư thua lỗ do thị trường chứng khoán sụt giảm và
giao dịch ảm đạm. Ảnh minh họa: Hoàng Triều

Anh Phạm Quang (ngụ quận Gò Vấp, Tp.HCM) cũng đang chán nản vì đầu tư tiền số. Cụ thể, anh đầu tư Bitcoin, nhưng đồng tiền này rớt giá liên tục, từ mức 19.000 USD (khoảng 400 triệu đồng) ở đầu năm 2018 xuống còn hơn 6.000 USD (khoảng 140 triệu đồng) trong giai đoạn này. Vì chán nản, anh Quang thậm chí còn bỏ quên số vốn hơn 10 tỉ đồng của mình trong tài khoản Bitcoin. Hiện nhà đầu tư này đang xoay hướng khác để đỡ tiếc nuối suất đầu tư và nuôi hy vọng một thời gian nữa, sau khi đứng giá 5 tháng thì đồng tiền số có thể khôi phục.

Trong khi đó, không ít dân đầu tư có “máu mặt” trong ngành bất động sản từng thu lãi khá trong 2 năm vừa qua cũng cho biết, hiện đang không tìm được phân khúc nào phù hợp để đầu tư, nhất là khi nguồn cung giá tốt, pháp lý rõ ràng ngày càng khan hiếm. “Tôi mua căn nhà phố ở quận 6 giá hơn 2,5 tỉ đồng từ năm ngoái. Đến nay giao nhà, tôi vừa bán ra với giá 4,2 tỉ đồng, tính ra lãi gần gấp đôi. Nhưng hiện tại để tìm căn nhà như vậy đầu tư nữa thì không có”, một nhà đầu tư tên Thu Dung, ở quận Bình Tân, Tp.HCM cho biết.

Thực tế cho thấy, hiện đang là giai đoạn chững lại của thị trường bất động sản với nguồn cung giảm mạnh. Theo tiết lộ của các môi giới, lượng khách rao bán sản phẩm đang nhiều hơn nhu cầu mua và có rất ít giao dịch thành công.

bất động sản giảm tốc
Sau khi tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản đang xuất hiện
những dấu hiệu giảm tốc. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất sản Tp.HCM (HOREA) cũng xác nhận, trong 7 tháng đầu năm nay, có 773 doanh nghiệp bất động sản (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới) ngừng hoạt động, không đăng ký hoặc chờ giải thể. Con số này tăng đến 74,5% so với cùng kỳ năm 2017, lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng dẫn đầu với mức tăng 46,6%.

Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển cũng công nhận rằng hiện hai kênh đầu tư quan trọng là bất động sản và chứng khoán đều không còn “ngon ăn” như trước, thậm chí không ít nhà đầu tư còn thua lỗ nặng. Nhìn chung, giá trị bình quân các phân khúc bất động sản đều tăng, việc các nhà đầu tư thua lỗ chủ yếu do lướt sóng ở những khu vực tăng giá mạnh hồi đầu năm, chẳng hạn như đất Phú Quốc hoặc căn hộ cao cấp. Với nhà đầu tư chứng khoán, trong khi thời điểm cuối 2017, thị trường tăng trưởng gần 50% thì tính đến 2/11 năm nay lại giảm 5,9% so với đầu năm.

Cơ hội vẫn còn

Theo dự đoán của ông Đinh Thế Hiển thì trong năm 2019, các phân khúc bất động sản sẽ có sự phân hóa lớn. Trong đó, hai yếu tố quyết định là vị trí và chủ đầu tư dự án. Rủi ro rất dễ xảy ra nếu nhà đầu tư không lựa chọn phân khúc phù hợp với nhu cầu đầu tư và khả năng tài chính của mình.

TS Hiển cũng cho rằng, với các sản phẩm tầm trung có giá bán hợp lý thì nhu cầu tiêu thụ vẫn cao, thậm chí những dự án ở khu vực gần trung tâm có thể tăng giá nhẹ do có nhu cầu mua để ở và cho thuê ổn định. Tình hình sẽ không mấy khả quan với phân khúc cao cấp khi nhiều nhà đầu tư thứ cấp sẽ phải giảm giá, chấp nhận bán lỗ do không đạt được lợi nhuận cho thuê như mong muốn. Trong khi đó, các dự án thuộc phân khúc trung bình, nằm ở những nơi xa trung tâm, hạ tầng kém phát triển sẽ khó thanh khoản do giá cao hơn mức thu nhập của đối tượng mua.

Đối với phân khúc nhà phố, đất nền dự án, TS Đinh Thế Hiển cho rằng nhà đầu tư phải cẩn trọng với shophouse (nhà phố thương mại) giá trị cao. Loại sản phẩm nhà phố biệt thự nằm trong các dự án có quy mô lớn khá xa trung tâm sẽ khó đạt lợi nhuận bằng đầu tư đất ngoài dự án ở khu vực lân cận ăn theo. Với bất động sản nghỉ dưỡng có vị trí tốt, tuy vẫn là kênh đầu tư giá trị nhưng nên chọn những sản phẩm có thể sử dụng thường xuyên cho gia đình, người thân để khai thác lợi ích gia tăng, đồng thời nhà đầu tư nên chọn dự án có nguồn cung không quá lớn.

đầu tư vàng
Nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng vì cho rằng đây là
kênh giữ tiền an toàn. Ảnh: Hoàng Triều

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cũng xác nhận, nhà đầu tư phải rất khéo léo mới có thể kiếm lãi ở bất động sản, chứng khoán trong giai đoạn tới. Tuy vậy nếu xét về dài hạn thì nên chọn vàng, còn ngắn hạn có thể chọn chứng khoán.

Ông Khánh cho rằng, khi các kênh khác bớt hấp dẫn thì vàng sẽ là kênh hút dòng tiền bởi khi không tìm được kênh đầu tư tối ưu, mọi người thường có xu hướng đổ một phần vào vàng. Nhưng do vàng thường bất ổn, liên tục trồi sụt nên chỉ đầu tư dài hạn thì mới có khả năng sinh lời.

“Tiền số thì năm ngoái đã bị giảm giá mạnh, việc phục hồi ở đầu năm 2019 là chưa thể nên phải đợi đến cuối năm 2019 mới xem xét được. Còn thị trường chứng khoán do đã rớt mạnh trong năm nay nên nếu tính chu kỳ dài thì chưa nên mua trong giai đoạn này nhưng nếu lướt sóng thì có thể mua cổ phiếu nhỏ và đầu tư vào thị trường phái sinh vẫn kiếm được tiền ngắn hạn”, ông Khánh gợi ý.

Cần kinh nghiệm và kiến thức

Theo TS Lê Đạt Chí, Phó Trưởng Khoa Đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, kênh đầu tư nào cũng đều có cơ hội và rủi ro riêng. Bỏ qua các yếu tố khách quan chung thì mỗi người cũng cần tự xem xét là mình có kinh nghiệm, chuyên môn, hiểu biết ở từng lĩnh vực đến đâu để biết nên đầu tư như thế nào. Bởi muốn có quyết định chính xác khi đầu tư vào tài chính thì cần có kiến thức nhất định.

Ông Chí cũng nhấn mạnh, điều quan trọng trong giai đoạn này là nhà đầu tư phải chú trọng vào sản phẩm có thể quy ra giá trị tài sản thật, chẳng hạn chứng khoán, vàng, bất động sản. Đồng tiền số không nên đầu tư trong giai đoạn này vì rất rủi ro khi không thể chuyển hoá được giá trị của nó.

 

(Theo Người Lao Động)