Dòng tiền có xu hướng đổ về thị trường nhà đất

Dòng tiền có xu hướng đổ về thị trường nhà đất

Dù sụt giảm thanh khoản nhưng bất động sản (BĐS) vẫn đang là kênh đầu tư chủ lực thu hút dòng tiền trong bối cảnh chứng khoán nhiều biến số khó nắm bắt và giá vàng ở ngưỡng cao.

Vốn đang chảy từ chứng khoán vào bất động sản

Sau những phiên đầy bất an của chứng khoán, nhiều chuyên gia dự báo thị trường có thể xuất hiện tâm lý dịch chuyển dòng vốn từ chứng khoán sang BĐS.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, TGĐ Đại Phúc Land nhìn nhận, khi thị trường chứng khoán có biến động tiêu cực, nhà đầu tư tài chính nhiều khả năng quay lại thị trường địa ốc để tìm một bến đỗ an toàn hơn. Các dòng vốn mỏng, ngắn hạn thường cập bến thị trường chứng khoán, vàng hay ngoại tệ vì các kênh này có tính linh hoạt cao và vốn ít cũng rất khó tiếp cận các tài sản nhà đất. Với nhà đầu tư có dòng vốn lớn, họ có thể chia trứng thành nhiều rổ và khó cưỡng được sức hấp dẫn của BĐS vì tỷ suất sinh lời cao, ít biến động nhanh theo phiên hoặc theo ngày đồng thời là một kênh trú ẩn tương đối an toàn.

Sau khi chứng kiến những phiên hoảng loạn của thị trường chứng khoán, các dòng vốn lớn có thể sắp xếp lại trật tự ưu tiên, chuyển hướng vào BĐS nhiều hơn. Tâm lý nhà đầu tư vẫn thích giữ tiền an toàn trong tài sản dài hạn. BĐS có tỷ suất lợi nhuận luôn cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.

Dòng tiền có xu hướng đổ về thị trường nhà đất

Dòng tiền tiếp tục xu hướng đổ về thị trường BĐS trong bối cảnh chứng khoán biến động và nhiều rủi ro.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, thế mạnh của bất động sản Việt Nam là nhu cầu về nhà ở, về giao dịch mua bán trong dân vẫn rất lớn, không hề suy giảm vì dịch bệnh. Dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, điều này sẽ tiếp tục là tiền đề để BĐS thu hút dòng tiền lớn trong dân. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hàng loạt dự án hạ quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng mạnh. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 – 2020. Hạ tầng phát triển thì BĐS cũng sẽ được hưởng cú hích từ việc động thái này.

Lý giải về sự chuyển động của dòng tiền từ chứng khoán vào BĐS, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, theo nghiên cứu từ Batdongsan.com.vn, trong vòng 10 năm, vàng chứng khoán chỉ tăng gấp đôi nhưng BĐS tăng đến 5-7 lần. Với đặc tính kép vừa đầu tư với biên lợi nhuận tốt vừa hạn chế rủi ro hay vừa tích lũy vừa khai thác sử dụng, BĐS có thể trở thành mục tiêu chuyển hướng của những nhà đầu tư chứng khoán vốn lớn trong năm nay. Không chỉ dòng vốn từ nhà đầu tư thắng đậm tại thị trường chứng khoán mà cả lượng vốn không am hiểu về chứng khoán cũng sẽ có xu hướng rót vào BĐS, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn.

Nhu cầu chuyển dịch về các sản phẩm ở thực

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định, dòng tiền đang và sẽ tiếp tục xu hướng đổ vào các dự án có mức giá vừa túi tiền tại các khu vực có kết nối hoàn thiện đang thu hút người mua trong bối cảnh TP.HCM siết tín dụng với loại hình BĐS cao cấp và khối tài chính hạn chế cho vay đầu cơ. Theo đó, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách hàng, hầu hết các dự án đưa ra thị trường đều có tỷ lệ giao dịch khá cao (từ 80 -100% giỏ hàng) trong thời gian ngắn.

Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, ông David Jackson cũng nhận định, trước những diễn biến khó lường của các kênh đầu tư như vàng hay chứng khoán, động thái hướng đến siết cho vay đầu tư BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng thì phân khúc căn hộ vừa túi tiền sẽ được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn. Ngoài việc là kênh giúp bảo toàn vốn hiệu quả, căn hộ vừa túi tiền cũng sẽ có thể giúp nhà đầu tư có được mức lợi nhuận khá tốt trong tương lai.

Dòng tiền có xu hướng đổ về thị trường nhà đất

Dòng tiền đang đổ về các dự án đáp ứng tiêu chí mua ở thực và có giá vừa tầm tay nhà đầu tư.

Tuy nhiên, không chỉ TP.HCM mà các tỉnh thành lân cận cũng đang khá khan hiếm dự án có giá tầm trung. Theo ông Đinh Minh Tuấn chia sẻ, tính riêng trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ nhỏ giọt vài dự án ra thị trường như khu vực trung tâm Bình Chánh có dự án Westgate của Tập đoàn An Gia (quy mô hơn 2.000 căn hộ) chào bán giá trên dưới 42 triệug/m2. Do là nguồn hàng có giá bán thấp hơn mặt bằng chung của khu vực, CĐT cũng đưa ra ưu đãi thanh toán và hỗ trợ vay lãi suất ưu đãi với người mua trong thời gian dài và cam kết lợi nhuận 18% trên tổng số tiền thanh toán. Chính sách và ưu thế giá giúp gần 90% nguồn cung tại dự án đã được giao dịch thành công. Hay khu Tây có dự án Flora Akari thuộc giai đoạn 2 KĐT Akari City (Bình Tân) cũng là nguồn cung hiếm hoi xuất hiện đầu năm 2022 tại TP.HCM còn tầm giá trên dưới 45 triệu/m2. Dự án này cũng bán hết 100% rổ hàng trong đợt giao dịch đầu tháng 3/2022, các căn hộ còn lại có thể phải đến đầu quý 3 mới mở bán tiếp, số lượng cũng không nhiều. Một dự án khác là MT Eastmark City sau khi chào bán thành công 100% rổ hàng giai đoạn 1 (tầm giá 36 triệu/m2) có kế hoạch sẽ mở bán tiếp 600 căn hộ giai đoạn 2 nhưng hiện vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể.

Xét về nguồn cung trong tháng 5/2022, thị trường sẽ chào đón gần 10.000 căn hộ từ dự án The Beverly Solari của tập đoàn Vingroup tại TP. Thủ Đức. Các căn hộ tại đây có tầm giá từ 50-55 triệu/m2 và hiện ghi nhận tỷ lệ đặt mua đạt gần 90% rổ hàng chào bán. Một dự án khác là D Aqua của Công ty Dhome cũng công bố rổ hàng 500 căn hộ cao cấp, giá từ 55-60 triệu/m2 cũng đã có tỷ lệ đặt mua đạt 90%.

Thực tế cũng chỉ ra, các dự án có giá vừa túi tiền, pháp lý hoàn thiện đang trở thành điểm ngắm của cả giới đầu tư và người mua ở thực. Chia sẻ về giao dịch thị trường gần đây, nhiều đơn vị phát triển dự án cho biết, nhu cầu mua để ở và cả đầu tư đều tăng mạnh trong các đợt mở bán mới đây của các dự án có tầm giá trung bình trong bối cảnh thị trường đang thiếu các dự án nhà ở vừa túi tiền, nhất là tại TP.HCM. Hiện nay rất khó để tìm thấy các dự án căn hộ thương mại có giá dưới 40 triệu/m2, riêng mức giá dưới 35 triệu /m2 thì đã gần như tuyệt tích. Thời gian tới, dưới áp lực chi phí đầu vào tăng cao, giá đất, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, lãi vay… leo thang, thị trường sẽ xác lập một mặt bằng giá mới và khó kiếm các sản phẩm dưới 50 triệu/m2.

( Theo Phương Uyên / Thanhnienviet)

 

Link gốc: http://thanhnienviet.vn/2022/05/12/dong-tien-co-xu-huong-do-ve-thi-truong-nha-dat