Luật đất đai mới nhất có điểm gì đáng lưu ý? Quy trình sang tên sổ đỏ năm 2020

Thủ tục làm sổ đỏ theo quy định mới của luật đất đai

Mua bán, sang tên hay tặng cho nhà đất… là một trong những giao dịch phổ biến trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật để đảm bảo giao dịch này được thực hiện đúng thủ tục, pháp lý an toàn. Nhất là khi các điều luật có thể được bổ sung, sửa đổi trong một số giai đoạn, vậy người dân cần lưu ý những gì trong luật đất đai mới nhất? Các thủ tục liên quan đến sổ đỏ năm 2020 có cập nhật gì hay không?

1. Thủ tục làm sổ đỏ theo luật đất đai mới nhất

Để được cấp sổ đỏ, thửa đất trước hết phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Ví dụ, hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất nhưng mang tên người khác và có kèm theo giấy tờ hợp pháp về việc tặng cho, mua bán trước ngày 1/7/2014 và đang sử dụng đất ổn định, không tranh chấp thì sẽ được làm thủ tục xin cấp sổ đỏ.

Về thủ tục làm sổ đỏ, người dân cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký cấp sổ đỏ (theo mẫu), giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, chứng từ thể hiện việc đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với thửa đất (biên lai nộp tiền sử dụng đất, thuế đất…), giấy tờ miễn giảm nghĩa vụ tài chính với đất (nếu có).

Nộp hồ sơ này tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất tai ở quận, huyện, thị xã, thành phố hoặc tại UBND cấp xã nơi có đất. Nếu hồ sơ đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm cấp sổ đỏ cho người dân (không quá 30 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ). Ngược lại, nếu phát hiện thiếu sót giấy tờ quan trọng, cơ quan chức năng phải thông báo cho người dân biết trong thời hạn không quá 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Lưu ý khi tiến hành thủ tục làm sổ đỏ theo luật đất đai mới nhất, người dân sẽ phải nộp các khoản thuế phí gồm: Tiền sử dụng đất (nếu thuộc trường hợp phải nộp theo Luật Đất đai 2013), lệ phí cấp sổ đỏ (tùy thuộc mức phí của từng địa phương) và lệ phí trước bạ (được tính theo công thức 0.5% x Diện tích thửa đất x Giá đất tại bảng giá đất).

Thủ tục làm sổ đỏ theo quy định mới của luật đất đai
Thủ tục làm sổ đỏ theo Luật Đất đai mới nhất được quy định như thế nào? Ảnh minh họa: Internet

Quy trình sang tên sổ đỏ năm 2020

Thủ tục sang tên sổ đỏ 2020 về cơ bản vẫn bao gồm 4 bước như trong quy định tại Luật Đất đai 2013. Cụ thể:

– Bên chuyển nhượng (người bán) và bên nhận chuyển nhượng (người mua) đến văn phòng công chứng để lập hợp đồng chuyển nhượng nhà đất

– Chuẩn bị hồ sơ để sang tên sổ đỏ bao gồm các giấy tờ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của bên bán và bên mua, tờ khai thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ…

– Nộp hồ sơ trên tại Văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có đất và nộp theo quy định

– Nhận sổ đỏ đã được sang tên.

2. Luật đất đai mới nhất về vấn đề bồi thường khi thu hồi đất

Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013 quy định khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng, trường hợp không có đất thì sẽ bồi thường bằng tiền (tính theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi). Giá đất này do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm thửa đất có quyết định thu hồi. Tuy nhiên, cũng theo luật nhà đất, có 7 trường hợp người sử dụng đất không được bồi thường khi đất bị thu hồi, ví dụ:

– Không bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích công ích của địa phương

– Không bồi thường khi thu hồi đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó, tiền sử dụng đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách của Nhà nước (Theo điều 43 Luật Đất đai 2013).

3. Tư vấn luật đất đai mới nhất trong phân chia di sản thừa kế

Trường hợp 1: Chia thừa kế đất đai theo di chúc hợp pháp của người đã mất. Một số điều kiện để đảm bảo di chúc hợp pháp như:

– Người lập di chúc sáng suốt, minh mẫn, không bị đe dọa, cưỡng ép hay lừa dối

– Di chúc có nội dung và hình thức không trái pháp luật, không đi ngược đạo đức xã hội

– Nếu là di chúc của người 15 – dưới 18 tuổi thì phải được lập thành văn barn có cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý…

Ngoại lệ chỉ có 6 nhóm đối tượng được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, tức là được hưởng thừa kế nhà đất dù không có tên trong di chúc (theo Điều 644 Bộ Luật Dân sự).

Tư vấn thừa kế phân chia tài sản

tranh chấp nhà đất Tư vấn thừa kế nhà đất theo Luật Đất đai mới nhất. Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp 2: Chia thừa kế đất đai theo quy định pháp luật (không có di chúc). Khi đó, di sản sẽ được chia theo thứ tự hàng thừa kế, trong đó hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha/mẹ đẻ, cha/mẹ nuôi, con đẻ/nuôi của người đã mất. Hàng thừa kế thứ hai gồm ông/bà nội ngoại, anh/chị/em ruột, cháu ruột (nếu người đã mất là ông/bà nội ngoại)… Những người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước (do đã mất/ không có quyền, từ chối hoặc bị truất quyền nhận di sản thừa kế).

Trên đây là tổng hợp các tư vấn của Batdongsan.com.vn liên quan đến vấn đề Luật đất đai mới nhất có điểm gì đáng lưu ý? Quy trình sang tên sổ đỏ năm 2020. Chúc bạn và gia đình sẽ luôn có giao dịch chuyển nhượng đất đai suôn sẻ và an toàn!

 

( Theo Linh Phương (TH) – Thanhnienviet )