Thị trường bất động sản năm 2021 sẽ nhiều điểm sáng?

Bất động sản 2021

Năm 2020 là năm mà thị trường bất động sản phải đối mặt với khó khăn kép: đại dịch Covid-19 và sự khan hiếm nguồn hàng – vốn là khó khăn kéo dài từ 2019. Thị trường năm 2021 được nhiều chuyên gia nhận định sẽ có nhiều điểm sáng.

Thị trường BĐS 2020: nối dài khó khăn của 2019

Một trong những điểm nghẽn lớn của thị trường bất động sản 2019 là việc siết chặt cấp phép dự án của cơ quan chức năng khiến nguồn cung mới của thị trường rất hạn chế. Thách thức này được phản ánh rõ ở những thị trường lớn của cả nước. Tại TP.HCM, trong năm 2019, chỉ có 2 dự án được cấp chủ trương đầu tư mới và 30 dự án đã có chủ trương, có cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng đã kiểm tra đủ điều kiện để cho hàng ra thị trường). Thị trường Hà Nội đạt con số thấp hơn, chỉ có trên 25 dự án.

Khó khăn trên vẫn kéo dài sang năm 2020. Theo ghi nhận của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2020 chỉ có trên 20.000 sản phẩm mới được chào bán lần đầu trên thị trường. So với năm 2019, con số này chỉ đạt trên 35%, còn so với năm 2018 thì nguồn hàng mới chỉ đạt 20%.

Thực trạng nguồn cung khan hiếm trong khi lực cầu của thị trường lớn đã đẩy thị trường rơi vào những hệ lụy là giá nhà tăng cao, hiện tượng sốt đất cục bộ ở một số khu vực. Giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp Hà Nội vẫn ghi nhận mức tăng trung bình 5% các đợt mở bán. Trong khi đó giá căn hộ TP.HCM quý 3/2020 tăng mạnh từ 15-20% so với quý 2/2020. Nguồn hàng dự án khan hiếm nên giới đầu tư đổ về vùng ven săn lùng đất nền thổ cư.

Thị trường vùng ven Hà Nội và TP.HCM xuất hiện những điểm nóng cục bộ. Tại Hà Nội, đất ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc… giá tăng từ vài triệu/m2 lên mức vài chục triệu/m2 trong thời gian ngắn trong khi cơ sở hạ tầng kĩ thuật chưa có sự đầu tư đồng bộ. Tại TP.HCM, đất nền thổ cư các huyện Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi… bị đẩy lên mức 30-50 triệu đồng/m2, tăng 15% so với quý trước.

Bất động sản 2021

Năm 2021, thị trường bất động sản được kì vọng sẽ có nhiều điểm sáng

Diện mạo mới trong năm 2021?

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tình hình phê duyệt các dự án chậm lại trong thời gian qua là do sự chồng chéo pháp lý trong các bộ luật. Sở dĩ các cơ quan chức năng thận trọng khi phê duyệt nhằm đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh của thị trường.

Tuy nhiên, hiện đã có những tín hiệu tích cực tháo gỡ nút thắt này. Ngay trong quý 4/2020, Chính phủ đã có động thái trước thực trạng trên. Cụ thể, Nghị quyết 164 tháo gỡ vướng mắc đầu tư trong khu đô thị; Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực vào 1/1/2021 sẽ tháo gỡ được phần lớn vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản. Nghị quyết 164 được kì vọng sẽ thổi luồng gió mới cho thị trường với những cơ hội phát triển mới.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng năm 2021, khi bước vào nhiệm kỳ mới, nhiều dự án sửa đổi luật dự kiến sẽ được hoàn thiện. Điều này đồng nghĩa các vướng mắc về chính sách pháp luật ở một vài phân khúc, loại hình sẽ được tháo gỡ theo hướng cụ thể, chi tiết hơn. Do đó, các điểm nghẽn được khơi thông, kéo theo sự khởi sắc của các hoạt động kinh doanh, phát triển dự án.

Ngoài ra, nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường, các văn bản quy phạm pháp luật mới đã và đang được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng của thị trường bấy lâu nay.

Ông Doanh cho rằng trong năm 2021, lực đẩy của thị trường được kì vọng đến từ dòng vốn qua các kênh khác nhau. Gần đây các ngân hàng thương mại đang gặp khó vì không có khách vay nên lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm. Khi lãi suất giảm mạnh, tất yếu các ngân hàng sẽ ưu tiên lựa chọn kênh cho vay bất động sản, bởi đây vẫn là kênh đầu tư đảm bảo sinh lợi nhuận khá chắc chắn.

 

( Theo Duy Bách / Thanhnienviet )