Triển vọng nhiều xung lực mới với bất động sản 2021

Xung lực mới cho bất động sản 2021

Tại tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới”, các diễn giả đều chung nhận định thị trường sẽ có nhiều điểm sáng trong năm 2021 và các năm kế tiếp khi một số điểm nghẽn từng bước được tháo gỡ và thị trường đón nhận nhiều xung lực mới.

Điểm nghẽn cơ chế chính sách được tháo gỡ?

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó trong thời gian qua và Covid-19 chỉ là cú bồi khiến thị trường thêm trầm trọng hơn. Cơ chế chính sách chính là một trong những điểm nghẽn khiến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đối mặt nhiều thách thức.

Cụ thể hơn đó chính là sự chồng chéo của các bộ luật như Luật nhà ở, Luật đất đai. Sự chồng chéo đã khiến từ cuối năm 2015, các dự án đầu tư bắt đầu gặp khó và sự ảnh hưởng của những vướng mắc này có độ trễ 3 năm. Trên thực tế, từ 2018, thị trường đối mặt nhiều thách thức về nguồn cung, khan hiếm nguồn hàng và giá bị đẩy lên cao so với khả năng chi trả của đại bộ phận dân chúng.

Bất động sản 2021 với nhiều xung lực mới

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Ông Châu cho biết điểm nghẽn về cơ chế chính sách, thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết. Chỉ khi những điểm nghẽn này được tháo gỡ thì thị trường mới có sự công bằng, minh bạch, phát triển lành mạnh và bền vững.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong năm 2020, điểm nghẽn trên đang dần được tháo gỡ. Nghị định 148 được ban hành vào tháng 12 để sửa một số điều trong luật đất đai. Sang năm 2021, từ ngày 1/1, Luật đầu tư, Luật xây dựng sửa đổi có hiệu lực. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ sự sửa đổi này.

Cũng trong năm tới, Bộ xây dựng sẽ sửa đổi Luật nhà ở, trên cơ sở đó ban hành nghị định về xây dựng lại chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hơp lý. Dù chịu tác động nặng nề của đại dịch nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng về kinh tế và kiểm soát dịch bệnh tốt.

Nhiều xung lực làm đòn bẩy cho thị trường

Bên cạnh những chuyển biến về cơ chế chính sách trong năm 2021, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thì thị trường sẽ đón nhận nhiều xung lực mới trong năm tới và những năm kế tiếp.

Xung lực đầu tiên là tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,5-7% và bình quân 10 năm tới có thể đạt 7%. Các vấn đề pháp lý của thị trường cũng có sự thay đổi như sự điều chỉnh của các luật đất đai, luật đầu tư, luật xây dựng. Hay luật chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm mới là huy động vốn từ các quỹ sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp.

Xung lực mới cho bất động sản 2021

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Một xung lực khác của thị trường trong thời gian tới là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài. Thương chiến Mỹ – Trung và đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và có chi phí rẻ. Việt Nam là điểm đến của sự chuyển dịch này. Đơn cử, ông Lực cho biết trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi Nhật Bản thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam là điểm dừng chân.

Trong bối cảnh nền kinh tế oằn mình gánh những khó khăn của đại dịch thì giải ngân đầu tư công nhanh trở thành xung lực đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%. Một xung lực khác thúc đẩy sự phát triển của thị trường chính là lãi suất. Sự suy thoái của nền kinh tế đã khiến lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Do đó, người tiêu dùng sẽ có nhiều thuận lợi để mua ở hay đầu tư.

Tuy nhiên, ông Lực nhấn mạnh nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng bởi thị trường vẫn phải đối mặt với tình hình dịch bệnh chưa kết thúc, những rủi ro về pháp lý cũng như hệ lụy không mong muốn nếu không tính toán kĩ khi sử dụng đòn bẩy tài chính.

 

( Theo Duy Bách/ Thanhnienviet )