7 lý do hình thành cơn lốc săn “đất vàng” Việt Nam của nhà đầu tư gốc Á

Đất vàng Thủ Thiêm

Các nhà đầu tư châu Á rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam vì khoảng cách địa lý gần, chính trị Việt Nam khá ổn định, tỷ suất sinh lời của bất động sản cao cấp vượt trội hơn các nước ASEAN…

Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, ông Phạm Lâm cho biết, thị trường bất động sản Việt trong 3-5 năm qua chứng kiến sự hoạt động rất sôi nổi của các nhà đầu tư châu Á đến từ Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản. Họ nhắm đến các quỹ “đất vàng” để phát triển bất động sản cao cấp, hạng sang.

Theo ông Lâm, làn sóng này sẽ còn tăng trong vài năm tới. Vị này đã chỉ ra 7 nguyên nhân hình thành cơn lốc săn “đất vàng” Việt Nam của các nhà đầu tư gốc Á.

Thứ nhất, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển. So với những thị trường đã phát triển lâu, nơi mà cơ hội đầu tư đã bão hòa thì tại thị trường mới nổi, cơ hội sẽ nhiều hơn. Tại nhiều nước châu Á, giá bất động sản đang ở mức quá cao, việc đầu tư ở bản xứ trong thời điểm này không còn hấp dẫn đã thôi thúc các nhà đầu tư gốc Á đổ vốn vào Việt Nam.

Thứ hai, chính trị tại Việt Nam khá ổn định và đây cũng là yếu tố mà các nhà đầu tư quốc tế đặt lên hàng đầu khi xem xét tham gia vào một thị trường mới. Chính trị ổn định sẽ đảm bảo an toàn cho suất đầu tư trong bối cảnh biến động chính trị toàn cầu ngày càng khó lường.

Đất vàng Thủ Thiêm
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) được nhiều nhà đầu tư châu Á
quan tâm trong vài năm qua. Ảnh: Quỳnh Trần

Thứ ba, so với các nước ASEAN, hiệu suất sinh lời từ bất động sản cao cấp và hạng sang tại Việt Nam, đặc biệt là Tp.HCM vẫn ở mức cao hơn. Báo cáo mới đây của một số đơn vị khảo sát trong nước cho thấy, tỷ suất sinh lời từ bất động sản cao cấp tại quận 1, 3 (Tp.HCM) là trên dưới 4%. Có tỷ suất sinh lời cao hơn, ở mức 5-6,5% là căn hộ cao cấp tại quận 2, khu Thảo Điền, An Phú và Thủ Thiêm.

Trong khi đó, trong khối ASEAN, tỷ suất sinh lời từ đầu tư căn hộ hạng sang trong khoảng 3,7-5,2% và ở châu Á cũng ở mức tương đương. Bất động sản hạng sang tại Tp.HCM lại có giá bán “mềm” hơn nên được xem là khá cạnh tranh.

Thứ tư, nền văn hóa Á Đông tại Việt Nam phù hợp với văn hóa của các quốc gia châu Á. Sự tương đồng này là cầu nối trong việc xúc tiến đầu tư, hợp tác đầu tư, giúp các “ông lớn” trong ngành địa ốc châu Á tham gia vào thị trường Việt Nam.

Thứ năm, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam đang tăng mạnh vì dân số trẻ và đang trong giai đoạn bứt phá thu nhập. Một lợi thế vượt trội khác của Việt Nam là tầng lớp trung lưu, thậm chí giới nhà giàu và siêu giàu thuộc nhóm tăng trưởng nhanh trên thế giới.

Tập trung phát triển bất động sản cao cấp, các nhà đầu tư gốc Á nhắm đến giới nhà giàu, những người sẵn sàng khẳng định vị thế bằng cách chi trả cho tài sản giá trị cao với chất lượng vượt trội.

Thứ sáu, trong khu vực châu Á, lãi suất ở các thị trường bất động sản phát triển ở mức cực thấp. Chẳng hạn, lãi suất phổ biến ở Nhật là 1%, Hàn Quốc là dưới 2%, Singapore là 3% và Đài Loan, Hồng Kông cũng ở mức khiêm tốn so với Việt Nam. Điều này đã thu hút các “ông lớn” bất động sản châu Á, các quỹ đầu tư đến Việt Nam. Bởi bên cạnh việc hợp tác làm dự án với biên lợi nhuận được cam kết, họ còn thực hiện các thương vụ mượn vốn với lãi suất tốt hơn ở quê nhà.

Thứ bảy, cùng ở châu Á nên khoảng cách di chuyển từ Việt Nam đến nước sở tại sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn những châu lục khác. Khi khoảng cách địa lý gần, các nhà đầu tư châu Á sẽ dễ dàng giám sát, kiểm tra thực địa thị trường, kịp thời đưa ra quyết định để đảm bảo hiệu quả của suất đầu tư.

 

(Theo Vnexpress)