Để kỳ vọng của Thủ tướng sớm thành hiện thực

(NTO) Tỉnh ta được tái lập từ ngày 1-4-1992. Có thể nói, nhìn lại giai đoạn đầu mới tách ra từ tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh gần như không có gì đáng kể, nếu không muốn nói là quá nghèo nàn và lạc hậu…

Xuất phát điểm nền kinh tế không những thấp mà còn chậm phát triển. Mặt khác, tuy là tỉnh thuần nông, khí hậu thời tiết khô hạn nhưng hệ thống thủy lợi, hồ đập, kênh mương chưa được đầu tư; các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết có công nghệ rất lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, đời sống đại bộ phận người dân, nhất là vùng dân tộc miền núi còn rất nhiều khó khăn…

Công trình thủy lợi hồ Bà Râu có sức chứa 4,6 triệu m3 nước tưới cho 500 ha đất canh tác
của nông dân xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc). Ảnh: Văn Miên

Nay sau 25 năm, bằng khát vọng vươn lên, Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận đã không ngừng phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Thử nêu vài con số: So năm 1992, quy mô tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 31,1 lần; Thu ngân sách tăng từ hơn 33,3 tỷ đồng lên 2.088 tỷ đồng năm 2016; Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng từ 67,8 tỷ đồng, lên 8.320 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 1995 mới đạt gần 1,4 triệu đồng/ người/ năm thì đến năm 2016 đã tăng lên trên 30 triệu đồng…Hay như lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển vượt bậc cả đầu tư các công trình thủy lợi đến quy mô sản xuất, hình thành một số vùng chuyên canh cây thực phẩm, cây công nghiệp…Nhờ đó, đã nâng giá trị đất sản xuất từ 57 triệu đồng ha của năm 2010 lên 105 triệu đồng năm 2016…Đến nay, diện mạo của tỉnh thay đổi nhanh cả thành thị và nông thôn. Nhiều nhiều dân làm ăn, sinh sống ngoài tỉnh cho biết quê hương đã đổi thay từng ngày và sẽ rất khó nhận ra nếu không thường về!. Tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, nhất là tiềm năng và lợi thế mới về kinh tế biển và năng lượng tái tạo được nhận diện và có chính sách phát triển phù hợp. Chỉ nói riêng lĩnh vực năng lượng, đến nay toàn tỉnh đã có 6 nhà máy thủy điện với tổng công suất 190,9MW; thu hút đầu tư 13 dự án điện gió/công suất 1.072 MW và 39 dự án điện mặt trời được đăng ký khảo sát/ công suất 8.607,8MW…

Thành quả đạt được 25 năm qua là rất lớn nhưng không phải đã hết khó khăn, nhất là biến những bất lợi thành lợi thế phát triển. Còn nhớ, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh cuối tháng 8 năm rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Ninh Thuận có lợi thế so sánh là vừa mang vẻ đẹp Việt, vừa có những đặc trưng của “một Tây Á thu nhỏ ở Việt Nam”. Ninh Thuận có điều kiện về phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao mà ít nơi có được. Đặc biệt, Ninh Thuận còn có cộng đồng dân cư với các nền văn hóa đặc sắc…Thủ tướng cho rằng, những điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng, văn hóa và truyền thống đang tạo cho Ninh Thuận lợi thế so sánh, cạnh tranh đặc biệt trong số các tỉnh, thành phố trên khắp các vùng miền của Việt Nam… Kỳ vọng và tin tưởng Ninh Thuận có thể phát huy tốt lợi thế, tiềm năng, Thủ tướng cho rằng cấp ủy, chính quyền tỉnh cần có tư duy quản lý mới, chủ động hơn nữa trong việc tạo ra không gian, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. Càng khó khăn thì càng phải vươn lên, nổi bật hơn trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bằng những bài học kinh nghiệm qua 25 xây dựng và phát triển cộng với tư duy mới, tầm nhìn mới, kiến tạo, tỉnh ta tiếp tục xác định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2020 dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột, gồm: Phát triền năng lượng sạch; Phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế của tỉnh; Phát triển nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; Phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, có giá trị gia tăng cao…; Xây dựng và kinh doanh bất động sản phát triển theo hướng xây dựng một môi trường sống tốt, bền vững…

Mục tiêu đã rõ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là vận dụng cơ chế chính sách đầu tư sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, để tối ưu hóa lợi thế riêng của tỉnh nhằm tạo đà phát triển nhanh, vững chắc trong giai đoạn mới, nhanh chóng hiện thực kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ!.

 

Theo H.H – baoninhthuan.com.vn