Tp. Phan Rang- Tháp Chàm Tạo sự đột phá về thương mại – dịch vụ
(NTO) Sau khi Tp.Phan Rang- Tháp Chàm được thành lập theo Nghị định 21/2007/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở đánh giá, nhận định tình hình phát triển, Đảng bộ thành phố đã nhanh chóng thay đổi chiến lược phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế từ Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại- Dịch vụ (TM-DV), Nông nghiệp- Thủy sản thành TM-DV, Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp, Nông nghiệp- Thủy sản.
Qua 10 năm đổi mới, phát triển có thể khẳng định đây chính là định hướng đúng đắn; ngành TM-DV có nhiều bứt phá, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Sự bứt phá của ngành TM-DV được minh chứng bằng những con số “biết nói” qua các giai đoạn phát triển. Điển hình, vào năm 2015, giá trị sản xuất của ngành đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2011. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 14,9%, trong đó TM-DV đã đóng góp tăng 8,9%. Năm 2016, giá trị sản xuất TM-DV đạt 4.623 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 60% nền kinh tế thành phố.
Công viên Biển Bình Sơn.Ảnh: Văn Miên
Đòn bẩy giúp ngành TM-DV tăng trưởng cao là nhờ vào hệ thống hạ tầng TM được đầu tư khá hoàn chỉnh, đồng bộ. Ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách, những năm qua, thành phố đẩy mạnh phương thức xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm TM và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, thành phố có 18 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I, 7 chợ hạng II và 10 chợ hạng III. Đặc biệt, năm 2016, từ nguồn xã hội hóa trên 20 tỷ đồng, thành phố đã xây dựng và đưa Chợ Nông sản Phan Rang đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm việc kinh doanh cho hàng trăm tiểu thương tại chợ Tấn Tài trước đây, tạo mỹ quan đô thị, trật tự giao thông, đáp ứng được nguyện vọng của người dân thành phố. Trên địa bàn còn có 1 trung tâm TM (VinMart)), 2 siêu thị thời trang, 2 siêu thị kinh doanh tổng hợp. Ngoài ra, nhờ vào việc mở rộng không gian, nhiều khu dân cư, khu du lịch, khu đô thị mới được xây dựng, mạng lưới giao thông phát triển rộng khắp đã tạo thuận lợi thông thương hàng hóa, giúp thành phố hình thành nên nhiều khu mua sắm, giao dịch dịch sầm uất, sôi động. Đến nay, thành phố có khoảng 900 DN hoạt động, chiếm gần 40% DN toàn tỉnh, trong đó hơn 60% hoạt động trong lĩnh vực TM-DV; số hộ kinh doanh cá thể có khoảng 10.000 hộ, trong đó hoạt động trong lĩnh vực này chiếm trên 90%.
Không chỉ phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng tăng trưởng TM-DV cũng không ngừng được tăng lên. Nhiều cửa hàng, cơ sở của các tổng công ty, tổng đại lý, nhà phân phối liên tục đa dạng hàng hóa kinh doanh, bảo đảm về chất lượng, đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi kích cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, tham gia các hội chợ TM… vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa quảng bá thương hiệu, sản phẩm, từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận.
Một góc Quảng trường 16 Tháng 4. Ảnh: LVH
Góp phần cho sự bứt phá của ngành TM-DV còn phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành DV du lịch. Nhiều dự án du lịch được đầu tư nâng cấp; nhiều thiết chế văn hóa đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn quan trọng, góp phần quảng bá và phát triển du lịch thành phố. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cấp hệ thống phòng ốc nghỉ dưỡng, mở rộng các tour du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, thu hút du khách. Hiện thành phố có khoảng 90 cơ sở lưu trú, với gần 1.600 phòng. Hằng năm, lượng khách du lịch đến với thành phố trung bình tăng khoảng 30%. Riêng năm 2016, thành phố đón 1.320.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Các loại hình dịch vụ khác như bưu chính- viễn thông, vận tải, tài chính- ngân hàng, bất động sản, y tế, giáo dục, bảo hiểm… cũng không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng đều qua các năm. Chỉ riêng trong năm 2016 đạt trên 12.260 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2011.
Đồng chí Trần Minh Nam, Bí thư Thành ủy Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: Đảng bộ thành phố quyết tâm lãnh đạo đưa nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững đến năm 2020, trong đó lĩnh vực TM-DV là động lực phát triển. Tập trung phát triển TM-DV theo hướng văn minh, hiện đại, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ngành này từ 12-13%/năm.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm điện máy tại Chợ Phan Rang. Ảnh: Văn Miên
Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển TM theo vùng, chú trọng khu vực nội thành, đồng thời không mở rộng ra các vùng ven đô, vùng biển. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật TM; khuyến khích hình thành tuyến phố chuyên doanh, khu phố mua sắm; tăng cường các hoạt động xúc tiến TM; tạo mọi điều kiện cho các DN mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Nho, táo, tỏi, nước mắm… Trước mắt, thành phố đang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số dự án: Trung tâm Thương mại Tháp Chàm, Siêu thị Tấn Tài, xây mới chợ Nhơn Sơn (phường Văn Hải), chợ Đông Hải…; đồng thời thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ Thanh Sơn, chợ Tháp Chàm..
Trong lĩnh vực DV, ưu tiên phát triển DV du lịch, nhất là du lịch biển, nghỉ dưỡng ngắn ngày gắn với du lịch văn hóa, tâm linh. Tiếp tục xây dựng, nâng cấp, mở rộng các khu du lịch, khu vui chơi giải trí: Công viên Biển Bình Sơn, Công viên Trung tâm thành phố… nhằm thu hút du khách. Đồng thời tiếp tục quy hoạch phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư mở rộng các khu du lịch về hướng Đông Nam…
Với định hướng, chiến lược, giải pháp đúng đắn, sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân đô thị, tin rằng thành phố sẽ tiếp tục tạo bước đột phá cho ngành TM-DV, góp phần đưa nên kinh tế ngày một phát triển, nâng cao thu nhập, đời sống Nhân dân.
Uyên Thu – NTO