Những lưu ý “sống còn” khi lùng mua đất làm nhà vườn, homestay

Săn đất nông nghiệp xây nhà vườn

Nhà vườn, homestay từng nở rộ cách đây chục năm trước và bắt đầu thoái trào trong khoảng 2-3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong mùa dịch Covid-19, nhiều người lại nhen nhóm ý định lùng mua đất làm nhà vườn để có chốn “nương náu”. Vậy phải làm sao để không hối tiếc khi mua đất làm nhà vườn?

Mua đất xây nhà vườn 
Từ mảnh đất cằn cỗi năm nào, dưới bàn tay của chị Hằng đã trở thành khu vườn xanh mướt, bạt ngàn cây

Là người từng nhiều năm lăn lộn với khu vườn hàng chục ha và đang thành công với thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên làm từ hoa hồng, chị Bùi Thanh Hằng (thường được gọi là Hằng Karose) chia sẻ, để thành công với mô hình kinh doanh nhà vườn phải cần rất nhiều tâm sức. Dưới đây là những kinh nghiệm quý báu được chị đúc kết khi tìm mua đất làm nhà vườn của mình:

Tìm hiểu trước thông tin

Theo chị Hằng, đầu tiên hãy lên các trang rao bán bất động sản đi “shopping online” thật nhiều. Đọc thật nhiều tin rao bán về vùng đất mình định mua. Điều đó giúp cho người mua có đầy đủ khái niệm giá cả, các dự án hay tiềm năng đất quanh đó. Ví dụ đất sát mặt hồ được rao bán bao nhiêu, đất mặt đường liên xã giá bao nhiêu, đất sâu hơn chút bao nhiêu… Việc nắm được mặt bằng giá sẽ giúp người mua không bị hớ khi trả giá cũng như không bỏ lỡ cơ hội mua mảnh đất đẹp giá hời sau này.

Vườn hoa hồng vài chục hecta của chị Hằng
Một góc vườn nhỏ đầy hoa hồng trên khu đất vài chục ha của chị Hằng

Sàng lọc và khảo sát thực địa kỹ lưỡng

Sàng lọc khoảng chục mảnh đất mà mình ưng ý nhất để đến tận nơi thực địa. Các môi giới luôn nhiệt tình dẫn khách đi xem đất đến khi ưng ý, có khi phải mất cả năm mới mua được một mảnh đất.

Việc đi xem thực địa này giúp người mua hình dung tường tận về nơi mình định mua và xem từng miếng đất có phù hợp tiêu chí của mình không. Dù có ưng ngay mảnh đất nào đó cũng không nên vội chốt ngay trong 1-2 lần đầu đi xem mà nên đi lại nhiều lần, thêm nhiều nơi. Nếu chưa tìm được mảnh đất ưng ý, cần về tìm kiếm thêm thông tin, không vội xuống tiền khi còn lăn tăn bất cứ điều gì. Bắt đầu từ lần tìm kiếm thứ hai, người mua cũng đã nắm được những thông tin trọng điểm hơn.

Mỗi người có một tiêu chí mua đất khác nhau, ngân sách khác nhau, hướng đất hợp tuổi khác nhau… Có mảnh người này vào thích mê, người kia lại chê ỏng chê eo. Do đó, việc mua đất dựa nhiều vào kinh nghiệm, khả năng quan sát của người mua chứ không có công thức chung.

Làm nhà vườn phải bỏ ra nhiều công sức

Nhà vườn mái cong, giữa nhiều cây cối, phía trước là sân gạch.

Kết nối môi giới địa phương và xem xét pháp lý

Chia sẻ nhu cầu với bên tư vấn bất động sản để nhờ tìm kiếm. Những môi giới địa phương sẽ giúp kết nối với người dân tốt hơn. Để tránh bất đồng với môi giới đất, nên thống nhất quan điểm làm việc từ đầu. Môi trường nhiều cạnh tranh nhiều nên các môi giới cũng đã chuyên nghiệp hơn trước. Có thể vẫn còn tình trạng kênh giá nhưng điều quan trọng là mảnh đất đó mình ưng hay không và giá đó chấp nhận được hay không.

Nên xem trước sổ sách giấy tờ để đỡ mất công đi lại. Nếu đất đã có sổ thì hãy quyết định đi xem tiếp. Nếu chưa có sổ mà cam kết làm được sổ cần tùy từng trường hợp để quyết, không nên tin tưởng 100% những lời hứa suông. Tốt nhất nên mua đất vườn liền kề kèm thêm 200-400 m2 đất ở tại nông thôn (ONT). Nếu muốn làm nhà nghỉ với diện tích đất ở lớn, người mua có thể tách sổ và xin thêm đất ở (vì đất ở trên 1 sổ đỏ luôn bị khống chế diện tích). Nếu mua đất làm vườn, làm rừng thì mua đất rừng 50 năm (nhưng đất này không được xây dựng nhà hợp pháp).

Tìm hiểu đất có dính quy hoạch đường xá không. Đất có quy hoạch cũng sẽ không được công chứng nên không lo mua nhầm, nhưng nếu thích có nhà vườn yên tĩnh thì nên tránh những nơi gần đường cao tốc…
Những lưu ý “sống còn”

Tường gỗ, khung cửa sổ, bàn trà và nhiều hoa trong một homestay 
Một góc homestay nhỏ xinh trong khu vườn của chị Hằng

Đất phải gần dân. Quanh đó phải có dân sống. Mảnh đất đẹp mà đi nửa ngày mới gặp bóng người thì đừng mua vì không thích hợp làm nơi ở trừ khi thật bản lĩnh. Ngoài ra, không gần khu dân cư cũng sẽ gây khó khăn trong việc thuê lao động làm vườn.

Đất phải có nước. Mảnh đất mà không có nước hoặc không có khả năng có nước thì nên tránh xa. Tốt nhất là nhìn thấy nước mặt (ao hồ, ruộng, mương…). Không có nước tưới cây rất khổ cực. Nhiều nơi không có nước ngay cả khi đào giếng khoan.

Phải có điện sẵn hoặc gần nơi có điện. Việc đi đường điện 3 pha 1-2km có thể ngốn cả trăm triệu.

Nếu mua đất làm nông nghiệp cần xem lịch sử đất có sử dụng thuốc trừ cỏ không. Việc cải tạo đất đã dùng thuốc trừ cỏ rất tốn kém và mệt mỏi.

Tìm hiểu mồ mả trên đất. Một số địa phương có tục lệ chôn cất người thân trong vườn, do đó cần tìm hiểu khu đất có mồ mả hoặc từng có mồ mả không trước khi quyết định.

Nếu thời điểm đi xem đất thời tiết khô ráo cần tìm hiểu xem khi mưa to gió lớn khu vực này thế nào, có ngập lụt không. Ngược lại, đi xem đất khi trời mưa bão cần tìm hiểu mùa khô ở đó có nước không, khô hạn trong bao lâu.

Mua đất làm nhà vườn để nghỉ ngơi, an dưỡng thì cảm giác lần đầu bước chân vào mảnh đất rất quan trọng. Nên chọn nơi tạo cảm giác thích thú, yên tâm, có mong ước được ở đó, vẽ được ngay ra trong đầu góc này làm gì góc kia làm gì… Nếu vẫn còn lăn tăn nghĩa là mảnh đất đó chưa phù hợp để mua.

Ngoài những bước tìm hiểu như trên, chị Hằng khuyên: “Việc quan trọng nhất là xác định lăn lộn được hãy mua. Bởi làm vườn và chăm nhà nghỉ cuối tuần là công việc khá vất vả và tốn kém. Đừng vội làm vườn, làm nhà nghỉ cuối tuần theo cảm hứng, lúc mất cảm hứng bỏ không rất lãng phí. Nếu chưa thực sự muốn làm hoặc có ý định mua đất để dành thì chỉ nên quây lại để giữ đất.”

 

( Theo Thanhnienviet)