Xin giới thiệu đến đọc giả về lịch sử hình thành và những nét văn hóa đặc trưng của Tỉnh Ninh Thuận
Lịch Sử Hình Thành Và Văn Hóa Tỉnh Ninh Thuận
Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Trung tâm của tỉnh là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 350 km về phía Bắc, cách Nha Trang 105 km, cách Đà Lạt 110 km, cách Bình Thuận 100km đồng thời nằm cách sân bay Cam Ranh khoảng 60 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ninh thuận là một phần lảnh thổ của nước Chiêm Thành thời xa xưa
– Năm 1653 Chúa trấn giữ Đàng Trong là Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687) đem quân đánh chiếm Phan Lang (sau này là Phan Rang) đặt làm doanh Thái Khang.
– Năm 1692, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho sáp nhập Phan Rang và vùng đất còn lại vào nước ta và đặt tên là trấn Thuận Thành.
– Đến năm 1832, trấn Thuận Thành đổi thành tỉnh Bình Thuận, gồm hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận.
– Ngày 20 tháng 5 năm 1901, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Phan Rang, tỉnh lị cũng là Phan Rang.
– Năm 1913, tỉnh Phan Rang bị xóa bỏ, phần phía bắc nhập vào tỉnh Khánh Hòa, còn phần phía nam gọi là đại lý hành chính, thuộc tỉnh Bình Thuận.
– Ngày 5 tháng 7 năm 1922, tỉnh Phan Rang, còn gọi là tỉnh Ninh Thuận, được tái lập. Tỉnh gồm phủ Ninh Thuận và huyện An Phước (nơi người Chăm cư trú), do một Công sứ Pháp cai trị. Dưới Công sứ còn có một Quản đạo.Năm 1958, tỉnh Ninh Thuận gồm có 3 quận (24 xã): Thanh Hải (quận lị Khánh Hải), An Phước (quận lị Hậu Phước), Bửu Sơn (quận lị An Sơn).
– Ngày 6 tháng 4 năm 1960, thành lập quận Du Long, do tách một phần đất quận Bửu Sơn và một phần đất của quận Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Quận lị đặt tại Karom, xã Cam Ly.
– Trước ngày 16 tháng 4 năm 1975, tỉnh Ninh Thuận gồm có 5 quận: Thanh Hải, An Phước, Bửu Sơn, Du Long và Sông Pha.
– Sau 30 tháng 4 năm 1975, Ninh Thuận được sáp nhập với Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng thành tỉnh Thuận Lâm.
– Tháng 2 năm 1976, thực hiện chủ trương giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam, ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũ có một thị xã (Phan Rang) và 3 huyện (Ninh Sơn, Ninh Hải, An Phước).
– Từ 1977 đến 1981, địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ một thị xã và ba huyện hợp nhất thành hai huyện là huyện An Sơn với thị trấn huyện lỵ Tháp Chàm và huyện Ninh Hải (mới) với thị trấn huyện lỵ Phan Rang.
– Từ 1981 lại quay lại các đơn vị hành chính cũ là 1 thị xã và 3 huyện.
– Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Theo nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10, tỉnh Thuận Hải được chia tách thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
– Ngày 1 tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt động. Khi đó, tỉnh Ninh Thuận có diện tích 3.530,4 km², dân số 406.732 người và gồm có 1 thị xã (Phan Rang) và 3 huyện (Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước).
– Ngày 6 tháng 11 năm 2000, huyện Bác Ái được thành lập.
– Ngày 1 tháng 10 năm 2005, huyện Thuận Bắc được thành lập.
– Ngày 10 tháng 6 năm 2009, huyện Thuận Nam được thành lập.
Vài nét văn hóa của Tỉnh Ninh Thuận
Dân số: 564.129 người (2009)
Dân tộc: Kinh, Chăm, Ra-glai, Cơ-ho, Hoa…
Đơn vị hành chính: 1 Tỉnh lỵ (Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), 6 huyện
Di Sản Văn Hóa
Hiện Ninh Thuận có 233 di tích được thống kê, phân loại gồm 46 đình, 11 đền, 85 chùa và 91 di tích khác, trong đó có 27 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận là một trong những địa bàn sinh sống của người Việt cổ. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được ở Nhơn Hải của Ninh Thuận các mộ cổ chôn cùng với đồ đá, đồ sắt thuộc nền văn minh Sa Huỳnh cách đây khoảng 2500 năm. Do vậy nơi đây còn là nơi gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Chămpa, bao gồm chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.
Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước, tiêu biểu là cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp) xây dựng thế kỷ thứ 9, cụm tháp Po Klong Garai xây dựng thế kỷ 13 và cụm tháp Po Rome xây dựng thế kỷ 17.
Ngoài các giá trị vật thể, văn hóa phi vật thể của người Chăm ở Ninh Thuận cũng phong phú với hơn 100 lễ hội diễn ra quanh năm, trong đó tiêu biểu phải kể đến là lễ hội Ka-tê tổ chức ở tháp Chăm vào tháng 7 lịch Chăm hàng năm. Đây là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của người Chăm, phản ánh sinh hoạt của cộng đồng người địa phương.
Tháp Po Klong Garai
Nghệ thuật biểu diễn:
Ninh Thuận nổi tiếng với những điệu múa Chăm. Múa thường gắn liền với các lễ hội như Rija Nưgar, Katê, Rija Praung… ở mỗi làng palei hay trên tháp. Đó là những dịp người Chăm thể hiện sự tưởng nhớ của mình đối với những người có công xây dựng đất nước, hay sự sùng bái một hoặc một vài vị vua được thần hóa.
Đi kèm với múa là những nhạc cụ truyền thống như: trống Ginăng, trống Bara nưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi… nhưng phổ biến hơn cả vẫn là bộ ba Ginăng, Baranưng và Xaranai, trong đó chủ đạo vẫn là Ginăng, vì có âm thanh mạnh mẽ, hùng hồn rất phù hợp trong dịp lễ hội cũng như phản ánh được tính cách của người Chăm. Có thể phân chia múa Chăm thành 2 loại: Múa dân gian và múa cung đình.
Lễ Hội Kate Của Người Chămpa
Điểm đến:
Ninh Thuận có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Bờ biển Ninh Thuận có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng, tắm được quanh năm như Bình Tiên, Ninh Chữ, Cà Ná và nhiều sông suối phục vụ du lịch như suối Vàng, thác Tiên, thác Chapơ, nhiều tháp Chàm như Pôklong Grai (Tháp Chàm), tháp Pôrômê (Ninh Phước), Ba tháp (Thuận Bắc ).
Sự đa dạng về địa hình tạo ra nhiều vùng sinh thái có những thắng cảnh độc đáo như đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, suối nước nóng, thác Tiên, thác Chapơ…thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch văn hoá kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng.
Bên cạnh các tháp Chàm và làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận còn nhiều điểm du lịch Chăm hấp dẫn khác như: Bia ký đá chẻ Chung Mỹ, núi Chà Bang, giếng cổ Thành Tín…Đèo Ngoạn Mục, Tháp Pôrômê. Làng du lịch Cà Ná, Vịnh Vĩnh Hy, Bình Hưng, Bình Tiên, Vường quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình, Thác Chapơ, đồ cát Nam Cương, Hải đăng Mũi Dinh…
Các món ăn nổi tiếng như: Dông 7 món, Bánh canh chả cá, Bánh Xèo – Căn, Các món Dê – Cừu, Nho Ninh Thuận… Và các làng nghề truyền thống cũng là những điểm hấp dẫn du khách đến Ninh Thuận.