Nhà đầu tư bất động sản Mỹ nhòm ngó vốn rẻ từ Việt Nam

Bất động sản Ninh Thuận

Theo thông tin PV TTXVN tại New York dẫn từ tờ Wall Street Journal đăng ngày 5/3, nguồn vốn mới vừa rẻ vừa phát triển rất nhanh là EB-5 từ Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư bất động sản Mỹ.

Việt Nam nằm trong số 5 nước được thụ hưởng sáng kiến đầu tư nước ngoài của Mỹ, có tên gọi Chương trình EB-5 và đang tận dụng rất nhanh cơ hội của mình trong bối cảnh lượng đầu tư của Trung Quốc theo chương trình này giảm xuống.

Được biết, EB-5 là chương trình cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được nhận thẻ xanh khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hoặc đầu tư vào những ngành nghề tạo công ăn việc làm ở Mỹ.

Theo ước tính của ông Nicholas Mastroianni II, giám đốc điều hành một trung tâm EB-5 thuộc Quỹ Nhập cư Mỹ, Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 về vốn đầu tư vào bất động sản ở Mỹ theo chương trình EB-5 với tỷ lệ 20%. Vị trí dẫn đẫu là Trung Quốc với 30%, tiếp theo là Ấn Độ, 25%. Hoạt động chính của các trung tâm EB-5 là dùng tiền của các nhà đầu tư để rót vào các dự án bất động sản.

Trong năm tài khóa 2018, người Việt Nam được cấp 693 thị thực nhờ đầu tư theo chương trình EB-5. Con số này đã tăng lên khá nhiều so với năm 2017 là 471 thị thực. Trong khi đó, bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, 4 năm về trước, người Việt Nam chỉ được cấp 121 thị thực, chiếm 1% số thị thực cấp cho chương trình EB-5.

Hiện đang có một số công ty đầu tư bất động sản lớn tại New York tiến hành mời chào trực tiếp dự án của họ với các nhà đầu tư Việt Nam thông qua các đại lý đặt ở nước sở tại. Chẳng hạn, tập đoàn Related Companies chào dự án giai đoạn 3 khu Hudson Yards, cần số vốn khoảng 380 triệu USD từ các nhà đầu tư qua chương trình EB-5. Dự án Hard Rock Hotel của tập đoàn Extell Development ở khu vực Times Square cũng cần nguồn vốn của các nhà đầu tư thông qua chương trình này.

Thực tế, chiếc thẻ xanh là sức hút rất lớn của chương trình EB-5. Để được cấp thị thực, các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đồng ý mức lợi nhuận ít hơn, và điều này khiến nguồn vốn của họ trở nên rẻ hơn trong đầu tư.

Hiện nguồn vốn EB-5 từ các nhà đầu tư Việt Nam đang tăng lên, trùng thời điểm các công ty phát triển bất động sản của Mỹ than vãn thiếu vốn giá rẻ từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

nhà đầu tư bất động sản Mỹ nhwasm vào nguồn vốn giá rẻ VIệt Nam

Nguồn vốn EB-5 từ Việt Nam đang được các nhà đầu tư bất
động sản Mỹ rất quan tâm. Ảnh: Interimm

Ông Phương Lê, luật sư chuyên tư vấn nhập cư thuộc công ty luật David Hirson & Partners, LLP cho biết: “Trước đây mà muốn huy động vốn khoảng từ 50 triệu USD đến 100 triệu USD, đặc biệt ở New York, bạn phải tìm đến Trung Quốc. Nhưng hầu hết các công ty lớn ở New York trước đây tìm đến Trung Quốc thì giờ đều đang tìm đến Việt Nam.”

Trung Quốc là nước có nhiều người giàu, nhu cầu nhập cư vào Mỹ cao nên những năm trước, nước này luôn dẫn đầu về số nhà đầu tư tham gia chương trình EB-5. Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có 9.128 thị thực EB-5 được cấp cho người Trung Quốc, tức chiếm tỷ lệ 85% toàn bộ thị thực EB-5 mà Mỹ cấp.

Tuy nhiên, do nhu cầu thị thực EB-5 của người Trung Quốc ngày càng tăng nên họ cũng mất nhiều thời gian hơn để được cấp. Chẳng hạn, nếu trước đây, chỉ sau vài tháng đầu tư, một số người đã được nhận thẻ xanh nhưng giờ không ít người Trung Quốc làm hồ sơ xin cấp thị thực EB-5 từ tháng 10/2018 nhưng có thể phải chờ 14 năm mới được thẻ xanh. Do phải chờ đợi lâu, lượng người Trung Quốc xin thị thực EB-5 thời gian gần đây đã giảm hẳn.

Quan sát của phía Mỹ cho thấy, dù lượng người Việt Nam quan tâm chương trình thị thực EB-5 ngày càng nhiều nhưng tổng lượng đầu tư vào Mỹ theo chương trình này đã giảm nhiều so với thời kỳ đỉnh cao.

Theo đó, tính đến tháng 10/2018, thời gian chờ đợi thị thực EB-5 đối với các nhà đầu tư Việt Nam là khoảng 7 năm. Đây là một khoảng thời gian tương đối dài, và cũng đang trở thành một vấn đề làm giảm sức hút của EB-5.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng đang có kế hoạch đề xuất thay đổi mức đầu tư tối thiểu theo diện EB-5. Mức đầu tư tối thiểu có thể sẽ không còn là 500.000 USD như hiện tại mà tăng lên 1.35 triệu USD.


(Theo Vietnam+)