Xây đập Tân Mỹ sử dụng tro bay chưa kiểm chứng: Thực hư thế nào?

(Xây dựng) – Nhiều nhà đầu tư của Cty CP Xây dựng C47 (C47) lo ngại nguồn tro bay không chính thống (chưa được kiểm chứng) sẽ được dùng để thi công bê tông đầm lăn đập Tân Mỹ (Ninh Thuận). Cần phải xác thực xem thông tin này là thật hay giả?

Làm rõ thông tin

Nguồn tin từ các nhà đầu tư cho biết, đập Tân Mỹ là một cụm đập, trong đó C47 chỉ tham gia một phần. Hợp đồng thi công giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp đã được ký kết từ năm 2011 với giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, sau khi điều chỉnh, dự kiến giá trị hợp đồng khoảng 2.500 tỷ đồng và sẽ khởi công luôn trong tháng 7/2017.

anh minh hoa dap thuy dien tan my

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng là mối quan tâm của các cổ đông C47 hiện nay, đó là việc sử dụng tro bay có nguồn gốc như thế nào trong quá trình xây dựng đập Tân Mỹ. Bởi vậy, khi nghe ngóng được nguồn tin chưa chính thức từ phía C47 rằng sẽ có một dàn tuyển tro bay mới phục vụ cho việc thi công bê tông đầm lăn của Đập Tân Mỹ, ông Lê Hùng Minh – cổ đông của C47 cùng một số nhà đầu tư khác đã gửi văn bản tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi (Ban 7) và Cty CP Xây dựng C47, yêu cầu xác nhận câu chuyện nguồn tro bay xây dựng đập Tân Mỹ là nguồn chính thống (từng dùng cho các Nhà máy thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Trung Sơn, Xekhaman…) hay từ nguồn khác chưa qua kiểm chứng. Trường hợp C47 phải chịu sức ép của chủ đầu tư, sử dụng nguồn tro bay chưa được kiểm chứng thì yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, đồng thời làm rõ lợi ích kinh tế-xã hội đối với việc lắp đặt hệ thống tuyển tro bay mới so với việc mua tro bay chính thống.

Cần khẳng định rằng, nguồn thông tin mà các nhà đầu tư C47 đưa ra là không chính thống, bởi chưa có một quyết định cụ thể “giấy trắng, mực đen” về câu chuyện không sử dụng tro bay chính thống cho đập Tân Mỹ. Thậm chí, ngay cả việc C47 có ký kết được hợp đồng tham gia vào dự án này hay không thì ông Trần Đức Dương, Trưởng phòng đầu tư tài chính của C47 cũng chưa khẳng định chắc chắn và cho biết, khi tham gia bất kỳ công trình nào, C47 muốn thay đổi, muốn sử dụng vật liệu gì đều phải qua sự quyết định của chủ đầu tư, chỉ định đến nơi mua, giá mua, vận chuyển về công trình đường dài bao xa chủ đầu tư đều biết,… chủ đầu tư thanh toán đúng theo tiến độ, tình hình, nếu làm tắt mắt, sẽ bị lột và không thanh toán.

Câu chuyện trên mây

Thực ra, trong nền kinh tế thị trường, câu chuyện nhà đầu tư lớn hay nhóm cổ đông nào đó tỏ ra lo lắng về phương án kinh doanh của một doanh nghiệp cổ phần là hết sức bình thường, trường hợp nhà đầu tư của C47 lo ngại về nguồn gốc của nguyên liệu đầu vào cho thi công bê tông đầm lăn tại đập Tân Mỹ cũng không phải là một ngoại lệ.

Hầu hết các đập thủy điện lớn trong nước đều được sử dụng tro bay có nguồn gốc chính thống, đã được kiểm chứng nhiều năm, ở nhiều công trình trong nước và khu vực, được kiểm chứng bởi các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới (Nhật Bản, Anh, Australia, Mỹ). Và, để chứng minh được chất lượng sản phẩm tro bay đạt chuẩn, doanh nghiệp phải mất hàng chục năm với nhiều lần hiệu chỉnh, cải tiến công nghệ mới cho ra được một sản phẩm có chất lượng. Chưa kể, chất lượng của tro bay sử dụng trong một công trình đập thủy điện chỉ được khẳng định qua thời gian khá dài, sau 5-10 năm khi công trình đã đi vào vận hành.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng các doanh nghiệp có được dàn tuyển tro bay đạt chất lượng thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi mỗi nhà máy nhiệt điện than có tính chất khác nhau và việc sản xuất tro bay đạt chất lượng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn than đầu vào của nhà máy nhiệt điện, công nghệ đốt than của nhà máy nhiệt điện, quy trình kiểm tra và công nghệ sản xuất tro bay của đơn vị sản xuất…

Bên cạnh đó, các nhà máy tuyển tro bay đều chịu sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng có chuyên môn và an ninh, vì loại vật liệu này nếu không đạt chất lượng sẽ gây ảnh hưởng khôn lường đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy thủy điện cũng như đời sống, của cải vật chất và nhất là tính mạng của người dân xung quanh.

Một ví dụ điển hình là thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) bị nước thấm qua các khe nối với lưu lượng 75 lít/giây, quanh thủy điện xảy ra hiện tượng động đất kích thích, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sử dụng vật liệu tro bay đầu vào không đảm bảo chất lượng, chứ không phải hoàn toàn là do lỗi thiết kế.

Có lẽ, nhà đầu tư C47 đã quá lo lắng việc sẽ có một dàn tuyển tro bay mới phục vụ cho sản xuất tro bay đạt tiêu chuẩn để thi công đập Tân Mỹ, bởi câu chuyện có thể nhanh chóng tuyển được tro bay đạt chất lượng trong vài tháng hay vài năm chỉ là câu chuyện ở trên mây. Hi vọng, với cơ chế minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một doanh nghiệp cổ phần, C47 cũng như Ban 7 sớm công bố chính thức thông tin cụ thể tới các cổ đông để tránh những lo ngại không đáng có.

Theo Thanh Nga ( baoxaydung.com.vn)